04/12/2023

Sử dụng quỹ đầu tư phát triển như thế nào?

Nếu như bạn đang chưa biết cách sử dụng quỹ đầu tư phát triển cũng như ghi nhận, hạch toán quỹ. Dưới đây Công Ty TNHH Minh – KPMG Việt Namsẽ cùng bạn giải đáp chi tiết về quỹ đầu tư phát triển, nguyên tắc hoạt động quỹ của công ty.

Quỹ đầu tư phát triển là gì?

Quỹ đầu tư phát triển là quỹ được hình thành từ khoản tiền trích ra từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Các tổ chức thành lập quỹ đầu tư phát triển với mục đích mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới, thay thế máy móc thiết bị, cơ sở vật chất và áp dụng thêm nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy lợi nhuận.

Quỹ đầu tư phát triển được quy về nguồn vốn chủ sở hữu, thông thường nguồn vốn được tính là nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên quỹ này không hẳn là nợ bởi nó được hình thành từ chính tiền của doanh nghiệp nhưng không được dùng để kinh doanh.

Bên cạnh quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp còn tồn tại quỹ đầu tư phát triển địa phương. Đây là một tổ chức tài chính thuộc địa phương được sử dụng để đầu tư tài chính và đầu tư cho phát triển hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, đồng thời thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại địa phương.

sử dụng quỹ đầu tư phát triển

Nguồn vốn của quỹ đầu tư phát triển

Khoản tiền đóng góp vào quỹ đầu tư phát triển phải thuộc trường hợp chưa được xác định cho bất cứ nghĩa vụ nào, nghĩa là doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước trước khi góp tiền vào quỹ. Doanh nghiệp dùng nó cho kế hoạch đang thực hiện hoặc chiến lược đầu tư mới.

Các đối tượng góp vốn có thể là: xã viên góp cổ phần, công ty TNHH đầu tư vốn, cổ đông, nhận vốn góp liên doanh, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Hoặc qua việc đi vay, góp vốn, ủy thác đầu tư (vào thời điểm mới hình thành quỹ).

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, sau khi đã chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng kinh tế đã được ký kết và bù đắp các khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định thì doanh nghiệp được phép trích tối đã 30% vào quỹ đầu tư và phát triển.

Đối với quỹ đầu tư phát triển tại địa phương, nhà nước sẽ là đơn vị trực tiếp cấp vốn để hình thành. Sau đó quỹ được huy động các nguồn vốn trung và dài hạn bằng cách hình thức vay tổ chức trong và ngoài nước; phát hành trái phiếu quỹ đầu tư; và các hình thức huy động vốn trung và dài hạn khác theo quy định của pháp luật.

Các quy định về quỹ đầu tư phát triển

Khoản 3 Điều 36 Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định giới hạn tổng mức vốn huy động tối đa bằng 06 lần vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư được ghi trên báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính bán niên tại thời điểm gần nhất.

Bên cạnh đó, Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định khá chi tiết và rõ ràng các điều kiện được huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Quỹ đầu tư. Nguyên tắc của việc phát hành trái phiếu là Quỹ đầu tư tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Điều kiện để được phát hành trái phiếu phải bao gồm việc Quỹ đầu tư có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập Quỹ đầu tư;

  • Quỹ đầu tư được UBND cấp tỉnh đánh giá xếp loại hoạt động có hiệu quả năm trước liền kề của năm phát hành theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính;
  • Quỹ đầu tư phải đảm bảo tuân thủ quy định về nhà đầu tư mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ;
  • Quỹ đầu tư phải có phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được UBND cấp tỉnh phê duyệt, trong đó nêu cụ thể về mục đích sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu và nguồn bố trí trả nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn;
  • Quỹ đầu tư phải thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp phát hành trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;
  • Quỹ đầu tư đáp ứng các giới hạn đầu tư, cho vay, huy động vốn theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP.

Sử dụng quỹ đầu tư phát triển như thế nào?

Quỹ đầu tư phát triển được dùng cho các mục đích sau:

  • Mở rộng đầu tư và phát triển kinh doanh; việc này giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều cơ hội mới giúp cho doanh nghiệp gặt hái được nhiều lợi nhuận.
  • Đổi mới hoặc thay thế hoàn chỉnh các máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ hay áp dụng các tiến bộ công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý tổ chức. Đổi mới trang thiết bị và điều kiện làm việc trong doanh nghiệp.
  • Cải tiến các trang thiết bị và điều kiện làm việc trong tổ chức;
  • Nghiên cứu khoa học, đào tạo cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kĩ thuật của cán bộ công nhân viên. Đây là các chi phí tham gia trong đào tạo nghề, đào tạo nghiệp vụ của nhân viên.
  • Dùng quỹ này để bổ sung nguồn vốn trong thực hiện đầu tư, với mục đích phân bổ nguồn vốn, sẽ mang đến lợi ích từ nhiều mặt khác nhau trong công việc kinh doanh.
  • Trích ra để thành lập quỹ đầu tư phát triển, nghiên cứu khoa học và đào tạo tập trung cho Tổng công ty (nếu là thành viên của tổng công ty) theo tỷ lệ được xét duyệt và quyết định của Hội đồng quản trị;
  • Sử dụng cho những mục tiêu được quy định trong quy chế tài chính của tổ chức.

Phương pháp hạch toán quỹ đầu tư và phát triển

Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 đã hướng dẫn cách thức để hạch toán quỹ đầu tư phát triển. Cũng theo quy định tài khoản để hạch toán là TK 414 trong chế độ kế toán doanh nghiệp.

Nợ 414: Chi tiêu, sử dụng quỹ;

Có 414: Thu, số tiền trong quỹ tăng từ việc trích lập hoặc kết chuyển;

Số dư có 414: Số tiền hiện có của quỹ.

Theo đó, trong kỳ khi tạm trích lập quỹ đầu tư phát triển từ lợi nhuận sau thuế, ta có bút toán:

  • Nợ 421 – Có 414 (TK 421 là TK hạch toán lợi nhuận sau thuế chưa phân phối).
  • Cuối năm khi xác định được số tiền quỹ đầu tư phát triển được trích, ta sẽ bổ sung số trích thêm: Nợ 421 – Có 414.

Trong trường hợp CTCP phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn tiền của quỹ thì ta ghi bút toán:

Nợ 414:

Có 4111: (TK hạch toán vốn góp chủ sở hữu theo mệnh giá)

Có 4112: (TK hạch toán thặng dư vốn cổ phần)

Số dư của quỹ dự phòng tài chính hiện có tại tổ chức được kết chuyển sang quỹ đầu tư phát triển, ta ghi bút toán:

Nợ 415: (TK hạch toán quỹ dự phòng tài chính)

Có 414:

Nếu quỹ đầu tư phát triển dùng để bổ sung vốn điều lệ, doanh nghiệp sẽ kết chuyển vào vốn chủ sở hữu, ta ghi: Nợ 414 – Có 4111.

Nguyên tắc hoạt động của quỹ đầu tư phát triển

Quá trình sử dụng quỹ đầu tư phát triển cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau:

  • Việc trích lập và sử dụng quỹ đầu tư phát triển phải tuân theo chính sách tài chính hiện hành đối với mỗi loại hình doanh nghiệp hoặc quyết định của chủ sở hữu. 
  • Không sử dụng quỹ vì mục tiêu lợi nhuận, phải bảo toàn và phát triển vốn độc lập với ngân sách nhà nước. Quỹ cũng không được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay một số trách nhiệm khác của doanh nghiệp.
  • Trong hoạt động cho vay, nhất quyết phải tuân thủ đúng pháp luật, cho vay đúng đối tượng đã qua thẩm định, có khả năng trả được nợ vay. Thời hạn cho vay phụ thuộc vào kết quả thẩm định cơ sở của dự án, khả năng thu hồi vốn cũng như khả năng trả nợ của chủ đầu tư, nhưng tối đa là 15 năm. 
  • Khi doanh nghiệp không tiếp tục trích tiền vào quỹ dự phòng tài chính, thì số dư còn lại của quỹ này sẽ được chủ sở hữu kết chuyển vào quỹ đầu tư phát triển.
  • Quỹ đầu tư phát triển địa phương không được đầu tư, hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp mà người quản lý, người đại diện doanh nghiệp đó là người thân trong gia đình của người quản lý quỹ. Cũng không được phép góp vốn cùng công ty con để đầu tư thành lập tổ chức kinh tế hoặc ký kết hợp đồng dưới mọi hình thức đầu tư.

Trên đây đã chia sẻ trọn bộ về quỹ đầu tư phát triển và cách sử dụng quỹ đầu tư phát triển, hạch toán quỹ. Nếu như bạn còn gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc ghi nhận hạch toán quỹ đầu tư phát triển cũng như các hoạt động kế toán khác của doanh nghiệp, liên hệ ngay với Minh – KPMG để đội ngũ chuyên gia, kế toán viên giàu kinh nghiệm hỗ trợ ngay!

Xem thêm: Quy trình xin cấp phép dự án đầu tư!