03/12/2023

Giấy chứng nhận nhãn hiệu là gì?

Giấy chứng nhận nhãn hiệu là gì? Nếu như bạn đang có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu và muốn tìm hiểu chi tiết về đặc điểm, các điều kiện bảo hộ của giấy chứng nhận nhãn hiệu. Bài chia sẻ sau của Minh – KPMG sẽ cùng bạn giải đáp chi tiết!

Giấy chứng nhận nhãn hiệu là gì?

Giấy chứng nhận nhãn hiệu có tên tiếng Anh là Certificate of Trademark Registration hay còn được gọi là văn bằng bảo hộ quyền sở hữu.

Giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp bởi Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam nhằm chứng nhận cho tổ chức, cá nhân được nhà nước bảo hộ quyền nhãn hiệu trong phạm vi và thời gian nhất định.

Giấy chứng nhận nhãn hiệu

Những nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp cho chủ sở hữu nhãn hiệu bao gồm những nội dung chính sau:

  • Số giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
  • Thông tin chủ sở hữu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Tên chủ sở hữu và địa chỉ của chủ sở hữu
  • Thông tin về số đơn và ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
  • Thông tin về nhóm sản phẩm/ dịch vụ đăng ký
  • Thông tin về số quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký
  • Thông tin về thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký
  • Thông tin gia hạn, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (nếu có)

Hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Hiệu lực về thời gian:

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

Để được gia hạn văn bằng bảo hộ quyền sở hữu, trong vòng 06 tháng trước ngày hết hiệu lực, chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ.

  • Đơn yêu cầu gia hạn và phí thẩm định yêu cầu gia hạn;
  • Lệ phí gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Phí sử dụng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Phí đăng bạ;
  • Phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Lưu ý: Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định trên những không được quá 6 tháng kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Bên cạnh đó chủ giấy chứng nhận phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.

Hiệu lực về lãnh thổ:

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận nhãn hiệu được sửa đổi trong các trường hợp sau:

Thay đổi thông tin:

  • Thay đổi về tên, địa chỉ của chủ giấy chứng nhận (Chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không thay đổi);
  • Thay đổi chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (chuyển dịch quyền sở hữu do thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác);
  • Sửa đổi quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận (đối với nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận).

Yêu cầu thu hẹp phạm vi:

  • Yêu cầu giảm bớt một hoặc một số hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà không thay đổi mẫu nhãn hiệu.

Sửa chữa những thiếu sót:

Trường hợp phát hiện có thiếu sót trong giấy chứng nhận nhãn hiệu, Cục sở hữu trí tuệ tự mình hoặc theo yêu cầu của người phát hiện ra thiếu sót tiến hành thu hồi giấy chứng nhận có thiếu sót và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới.

Chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

  • Chủ giấy chứng nhận không nộp lệ phí gia hạn hiệu lực theo quy định;
  • Chủ giấy chứng nhận đăng ký tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu;
  • Chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
  • Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn 05 (năm) năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất 03 (ba) tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Tại thời điểm giấy chứng nhận nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực, quyền của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu không còn được Nhà nước tiếp tục bảo hộ. Tuy nhiên chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn có quyền khởi kiện các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu xảy ra trong thời gian Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực mặc dù tại thời điểm khởi kiện, quyền đối với nhãn hiệu không còn được bảo hộ.

Hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau:

  • Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với nhãn hiệu;
  • Nhãn hiệu không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.

Việc hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ xác định Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không có hiệu lực kể từ ngày cấp.

  • Người có quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.
  • Thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 05 (năm) năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trừ trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.

Quy trình để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Để nhận giấy chứng nhận nhãn hiệu chúng ta cần đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm theo thủ tục sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

  • 02 Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo mẫu số 04-NH
  • 09 Mẫu nhãn hiệu kèm theo ngoài 01 mẫu được gắn trong tờ khai
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (Giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng thỏa thuận, thư xác nhận, thư đồng ý, quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ tổ chức): 01 bản
  • 01 Giấy ủy quyền nộp đơn (nếu có)
  • 01 bản sao Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn nếu quý khách nộp qua đường bưu điện

Với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận thì ngoài những tài liệu trên còn cần bổ sung thêm Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/ Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bạn tiến hành nộp hồ sơ tại Cục sở hữu trí tuệ và nộp lệ phí đăng ký nhãn hiệu.

Bước 3: Theo dõi kết quả và nộp phí cấp văn bằng bảo hộ

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sẽ trải qua hai giai đoạn thẩm định chính là:

  • Thẩm định hình thức: Với mục đích kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không. Thời gian thẩm định hình thức đơn kéo dài 01 tháng kể từ ngày nộp đơn
  • Thẩm định nội dung: Nhằm mục đích đánh giá khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu theo các điều kiện bảo bộ nhất định. Thời gian thẩm định hình thức kéo dài không quá 03 tháng kể từ ngày công bố đơn. 

Sau khi đã xem xét đánh giá nhãn hiệu của quý khách đủ điều kiện để cấp văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi thông báo đóng lệ phí cấp bằng đến chủ sở hữu. Chủ sở hữu sẽ đóng phí cấp và nhận văn bằng sau 02 đến 03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí. 

Trên đây Công Ty TNHH Minh – KPMG Việt Nam đã chia sẻ cùng bạn thông tin chi tiết về giấy chứng nhận nhãn hiệu và những vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Bạn đã sẵn sàng để đăng ký nhãn hiệu để được bảo hộ về nhãn hiệu, thương hiệu hay chưa?

Liên hệ ngay hotline: 0918.535956  – 0916.535956 để đội ngũ luật sư, chuyên gia kinh nghiệm lâu năm của Minh – KPMG tư vấn hỗ trợ nhanh và thay mặt bạn thực hiện đăng ký nhãn hiệu nhanh chóng, sớm nhất với chi phí tối ưu nhất!